Cơ hội thì hiện hữu, nhưng thực tế có nắm bắt được hay không có lẽ vẫn còn bỏ ngỏ. Khi mà, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn đó nhiều khó khăn về điều kiện nguồn cung cho đến yếu tố đầu vào.
Thời gian qua, nhà nhà bàn về ngành gỗ- ngành mà được cho sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA), song song là cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nhiều ý kiến kỳ vọng năm 2019 ngành gỗ sẽ bứt phá, thậm chí cổ phiếu nhóm này cũng được quan tâm hơn cả.
Song, cơ hội thì hiện hữu, nhưng thực tế có nắm bắt được hay không có lẽ vẫn còn bỏ ngỏ.
CPTPP sắp có hiệu lực- ngành gỗ Việt hưởng lợi từ thuế quan
Hiệp CPTPP sẽ được thực thi ngay giữa tháng 1 năm 2019. Tức, tính từ thời điểm này chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là cánh cửa đến những thị trường mới như là Mexico, Canada và Peru đã mở ra cho ngành gỗ Việt Nam.
CPTPP mang lại cơ hội vàng cho ngành gỗ khi mà tại thị trường Canada, sản phẩm ván sàn, gỗ thanh sẽ không còn chịu mức thuế 3,5% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Các sản phẩm như hàng thủ công mỹ nghệ, ván dán, ván ghép, khung tranh, khung cửa, nhất là đồ nội thất cũng ngay lập tức được giảm thuế về 0% từ mức 6% – 9,5% hiện tại.
Để biết được rằng thị trường Canada quan trọng thế nào đối với ngành Gỗ Việt Nam thì phải nhìn vào con số 129 triệu USD kim ngạch xuất khẩu năm 2017 và 10 tháng đầu năm 2018 khi hiệp định CPTPP vẫn còn trên giấy thì kim ngạch đã lên đến con số 131 triệu USD, dự kiến cả năm đạt 140 triệu USD. Mức tăng trưởng 8,5% ngay trước thềm mở “cửa thuế” cho thấy, ngành gỗ thực sự có tương lai ở thị trường Canada.
Còn Mexico cũng đã đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, bao gồm cả ván dán, ván dăm, gỗ thanh, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất với lộ trình tối đa là 10 năm. Hiện, mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ là khá cao từ 10-15% khiến Mexico là thị trường còn bỏ ngỏ của doanh nghiệp Việt Nam.
Với Hiệp định EVFTA, giữa EU và Việt Nam, 2 bên cùng hy vọng sẽ ký kết vào đầu quý 1/2019, sau đó trình ra Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam để xin phê chuẩn. Nếu việc phê chuẩn EVFTA diễn ra suôn sẻ trong nửa đầu 2019 thì đây sẽ là tin vui với cộng đồng chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam bởi EU là thị trường hết sức quan trọng với kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 750 triệu USD năm 2017 và thị trường EU còn nhiều dư địa để tăng trưởng khi lượng cung cấp từ sản phẩm gỗ của Việt Nam hiện chiếm chưa đến 1%.
Đồ gỗ cũng rộng đường sang Mỹ
Không chỉ hưởng lợi về thuế nhờ CPTPP, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng mở cửa cho ngành sản xuất gỗ Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, vì hiện nay thuế suất của chúng ta vào Mỹ là 0%. Còn Trung Quốc sẽ là 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột thương mại. Mức chênh lệch thuế lớn này đủ để đồ gỗ Việt rộng đường sang Mỹ.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy xuất khẩu gỗ nước ta 3 quý đầu năm nay tăng trưởng khá tốt, trong đó đứng đầu quốc gia nhập khẩu là Mỹ.
Liệu diều sẽ bay?
Giữa những cơ hội tưởng như không thể chối cãi từ CPTPP, EVFTA,và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thách thức đang đặt ra cho Việt Nam là: Làm sao kiểm soát được gỗ Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam để tìm đường sang Mỹ và làm sao để phát triển bền vững?
Đồng ý là Việt Nam xuất sang Mỹ tăng, nhưng phía ngược lại Trung Quốc sẽ đẩy hàng sang nước ta. Nếu khối lượng Trung Quốc xuất sang lớn, sớm muộn sẽ khiến Mỹ có biện pháp tương tự khi hàng Việt Nam ồ ạt xuất sang quốc gia mình.
Trong lần phát biểu mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng khẳng định vẫn còn quá sớm để xem căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là cơ hội lớn cho ngành đồ gỗ Việt Nam. Bởi nếu sự dịch chuyển đơn hàng và đầu tư chỉ để đồ gỗ được dán nhãn “made in Việt Nam” nhằm tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ thì sớm hay muộn ngành đồ gỗ Việt Nam cũng sẽ gặp vạ lây nếu bị áp thuế chống lẩn tránh thuế từ xứ cờ hoa.
Thách thức tiếp đến là phát triển bền vững thế nào khi các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản rất quan tâm phát triển rừng. Họ đã đặt ra những yêu cầu rất cao về sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp trong ngành chế biến gỗ.
Chưa kể, ngành gỗ vẫn còn khá nhiều vấn đề nhỏ hơn chưa được giải đáp. Thứ nhất về nguồn cung, hiện giá bán tăng, trong “truyền thống” giá gỗ biến động khó lường bấy lâu nay, dẫn đến doanh nghiệp rất e dè trong việc mua và giữ gỗ với khối lượng lớn. Chưa kể, thời hạn hợp đồng ngắn hạn trong ngành hiện nay cũng mất khoảng 6 tháng, dài hạn hơn bản thân người kinh doanh cũng lo sợ trước biến động giá gỗ, từ đó khiến nguồn cung không ổn định.
Thứ hai về nguyên liệu đầu vào, Việt Nam đến nay vẫn chưa có liên kết chuỗi về nguyên liệu, trong khi nguyên liệu đâu đó chiếm đến 45-50% giá thành sản phẩm, như vậy cơ hội có nắm bắt được cũng chỉ trên lý thuyết, bởi rõ ràng hiệu suất chưa cao.
Thực tế cũng cho thấy, biên lợi nhuận bình quân (tính chung cho tất cả các mặt hàng) của những doanh nghiệp gỗ niêm yết chưa cao. Đồng thời, 9 tháng đầu năm nay mặc dù có tăng trưởng doanh số, tuy nhiên lợi nhuận gần như vẫn dậm chân một chỗ (ngoại trừ Gỗ Trường Thành – TTF đang trong quá trình tái cơ cấu).
Biên lợi nhuận bình quân (tính chung chó tất cả các mặt hàng) của những doanh nghiệp gỗ niêm yết chưa cao.
Một doanh nghiệp niêm yết khác cũng kinh doanh gỗ, Công ty Phú Tài (PTB) lũy kế 9 tháng đầu năm DT là 3.161 tỷ, tăng 9%, lợi nhuận đạt 255 tỷ, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng gỗ chiếm 38% doanh thu và 32% lợi nhuận gộp, chủ yếu doanh thu của mảng đến từ việc xuất khẩu sang Mỹ và EU.
Cũng chính kinh doanh không mấy nổi bật, đi cùng nhiều bất cập toàn ngành, nhóm cổ phiếu gỗ khá mờ nhạt trên thị trường. Như vậy, thời gian tới nhóm cổ phiếu gỗ có được quan tâm hơn hay không trước hết phải trả lời được thắc mắc “liệu ngành gỗ có thực sự “cất cánh” trước những cơ hội về thuế quan, mở cửa thị trường hay hưởng lợi chiến tranh Mỹ – Trung?”.